Tiểu đường thai kỳ: Bệnh dễ mắc khi mang thai cần được phát hiện sớm

Thứ Tư, 01-08-2018

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng xảy ra ở phụ nữ mang thai khi lượng đường huyết trong máu cao hơn mức bình thường. Điều này là do cơ thể không sản sinh đủ insulin để chuyển hóa glucose thành năng lượng.

Trong thời kỳ mang thai, nhau thai bao quanh em bé bắt đầu phát triển và dần sản sinh ra hàng loạt kích thích tố. Chính những kích thích tố này làm giảm tác động insulin trong cơ thể khiến cho lượng đường trong máu luôn ở mức cao.

Tiểu đường thai kỳ rất khó phát hiện, nếu như không được kiểm soát kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng phức tạp như tiền sản giật, sảy thai, thai chết lưu, sinh non,… Chính vì vậy nhận biết sớm dấu hiệu bệnh và kịp thời kiểm soát bệnh là vô cùng cấp thiết với người bệnh. Hãy theo dõi nội dung dưới đây để biết được những thông tin cần thiết.

Tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ: Căn bệnh nguy hiểm ở phụ nữ mang thai bạn phải luôn cảnh giác

I. Tiểu đường thai kỳ là gì?

Bệnh tiểu đường thai kỳ chính là căn bệnh liên quan đến rối loạn chức năng chuyển hóa carbohydrate của phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Nói một cách dễ hiểu, mẹ bầu trong quá trình mang thai mà chỉ số đường huyết luôn ở mức cao hơn so với bình thường thì mẹ bầu đang sống chung với bệnh tiểu đường thai kỳ.

Đối với mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, lượng insulin mà tuyến tụy sản xuất ra không đủ để vận chuyển glucose đi nuôi các hoạt động của tế bào. Lâu dần lượng glucose tích tụ trong máu ngày một nhiều khiến cho bệnh tiểu đường thai kỳ càng nặng thêm nếu không được kiểm soát kịp thời. Bệnh thường xảy ra khi các mẹ bầu mang thai từ tuần thứ 24 đến tuần thứ 28.

Thường thì, khi mẹ bầu sinh xong thì bệnh có thể tự động biến mất. Tuy nhiên vẫn còn tới 30% những mẹ bầu sinh xong vẫn phải sống chung với bệnh tiểu đường tuýp 2 do không kiểm soát tốt bệnh tiểu đường thai kỳ. Chính vì vậy, trong suốt thời kỳ mang thai mẹ bầu cần hết sức chú ý.

II. Nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ mà các mẹ bầu phải chú ý để có biện pháp phòng tránh tốt nhất.

  • Trong thời kỳ mang thai, nhau thai bao quanh em bé sẽ sản xuất ra một loạt kích thích tố. Những kích thích tố này đã làm giảm sự nhạy cảm insulin của các tế bào và cản trở tuyến tụy không thể sản xuất đủ lượng insulin mà cơ thể cần. Chính điều này khiến cho glucose bị đọng lại ở máu làm gia tăng chỉ số đường huyết quá mức. Đây là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ ở mẹ bầu.
  • Ngoài ra, nhiều mẹ bầu trong thời kỳ mang thai thường thèm ăn đồ ngọt. Sự dung nạp quá nhiều các loại bánh ngọt, trà sữa với quá nhiều đường hóa học cũng chính là nguyên nhân khiến các mẹ bầu phải sống chung với bệnh tiểu đường thai kỳ.
Nguyê nhân tiểu đường thai kỳ
Một số nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường thai kỳ bạn cần hết sức chú ý
  • Bên cạnh đó, đối với những mẹ bầu thừa cân, hay mang thai ở độ tuổi trên 30, gia đình hay bản thân có tiền sử bị tiểu đường cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh tiểu đường thai kỳ ghé thăm mẹ bầu bất cứ lúc nào.
  • Đối với trường hợp phụ nữ bị buồng trứng đa nang, hay bị tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai trước hoặc đã từng sinh em bé quá lớn cũng dễ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ.
  • Phụ nữ mang thai thường lười vận động hay bị căng thẳng, stress, dễ cáu gắt cũng là nguyên nhân khiến cho họ dễ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ hơn.

III. Dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ là căn bệnh gây rất nhiều sợ hãi cho mẹ bầu bởi những dấu hiệu không dễ phát hiện. Hay mẹ bầu cũng thường bị nhầm lẫn những dấu hiệu bệnh tiểu đường thai kỳ với dấu hiệu của những bệnh lí khác.

Mẹ bầu cần hết sức chú ý tới một số triệu chứng dưới đây để sớm phát hiện bệnh tránh những biến chứng khó lường:

  • Thường xuyên khát nước: Mẹ bầu thường uống rất nhiều nước trong ngày nhất là vào ban đêm. Đôi khi vừa uống xong đã thấy khát ngay và dường như miệng lúc nào cũng cảm giác khô.
  • Đi tiểu nhiều lần: Bình thường trong quá trình mang bầu phụ nữ cũng thường đi tiểu nhiều hơn người bình thường do thai nhi gây nhiều áp lực cho bàng quang. Nhưng một ngày đi tiểu cả chục lần và tiểu nhiều nước thì mẹ bầu cần hết sức thận trọng.
  • Khó lên cân: Thường khi mang thai phụ nữ sẽ lên cân đều cùng với sự phát triển của bé nhưng khi bị tiểu đường thai kỳ thì mẹ bầu lại khó lên cân thậm chí bị sút cân. Mặc dù hay cảm thấy đói và ăn nhiều nhưng vẫn không thể lên cân được.
  • Vùng kín bị viêm nhiễm: Khi bị tiểu đường thai kỳ vùng kín của phụ nữ rất dễ bị viêm nhiễm, đặc biệt là nhiễm nấm mà không thể vệ sinh sạch sẽ bằng những loại nước rửa, kem chống khuẩn thông thường.
  • Bệnh tiểu đường thai kỳ cũng thường kèm theo một số dấu hiệu khác như vết thương khó lành, cơ thể mệt mỏi, suy nhược, thiếu năng lượng, thị lực giảm sút mà mẹ bầu cần hết sức chú ý.

Mặc dù những dấu hiệu tiểu đường thai kỳ rất khó để nhận ra nhưng mỗi người chúng ta, đặc biệt là phụ nữ rất nhạy cảm với cơ thể của mình. Khi thấy có bất kỳ dấu hiệu khác thường nào của cơ thể thì cần đi khám bác sĩ để có sức khỏe tốt nhất cho cả mẹ và bé.

IV. Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không?

Bệnh tiểu đường thai kỳ chính là nỗi ám ảnh kinh hoàng của tất cả các mẹ bầu. Thời kỳ mang thai chính là thời kỳ nhạy cảm nhất của người phụ nữ. Khi không có được sức khỏe tốt không những ảnh hưởng đến mẹ và còn có nhiều tác động xấu đến sự phát triển của bé. Bệnh tiểu đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng lớn tới mẹ bầu mà còn nguy hại đến thai nhi nếu không được kịp thời kiểm soát.

1. Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến bé như thế nào?

Khi mẹ bầu phải sống chung với bệnh tiểu đường thai kỳ mà không có sự kiểm soát đường huyết chặt chẽ sẽ gây nhiều tác động xấu đến sức khỏe của thai nhi. Các bé sẽ phải đối diện với một số nguy cơ nguy hiểm như:

  • Mặc dù mẹ bầu khó lên cân nhưng thai nhi lại thường nặng cân hơn mức bình thường. Do thai nhi phải tăng tiết insulin để tiêu thụ lượng đường mà mẹ bầu không thể tiêu thụ được. Điều này khiến cho bé tăng trưởng và dự trữ năng lượng dưới dạng glycogene ở lớp mỡ của thai nhi. Thai tuy to nhưng lại kém phát triển sau sinh, đặc biệt là phát triển trí tuệ.
  • Thai nhi của các mẹ bầu bị tiểu đường có tỷ lệ tử vong cao hơn hoặc dễ dàng mắc các dị tật bẩm sinh hoặc kém phát triển hơn. Đường huyết của mẹ tăng cao khiến cho các gen bị biến đổi bất thường. Một số dị tật phổ biến thường thấy ở thai nhi có mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ là dị tật hệ thần kinh, hệ tiết niệu hay các dị tật tim bẩm sinh,…
  • Sự trưởng thành về phổi của thai nhi trong dạ con bà mẹ bị tiểu đường thường chậm hơn so với thai nhi của các bà mẹ không bị bệnh. Do vậy nếu bị sinh non, thai nhi của mẹ bị tiểu đường dễ bị suy hô hấp. Không những thế thai nhi khi sinh non còn dễ bị hạ đường huyết do không được cung cấp lượng glucose nhiều như khi còn ở trong bụng mẹ. Hiện tượng co giật ở trẻ cũng rất dễ diễn ra.

Ngoài ra, các bé của mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cũng dễ bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 khi lớn lên do hiện tượng di truyền từ mẹ.

2. Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng đến mẹ bầu như thế nào?

Tiểu đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng xấu đến thai nhi mà còn gây ra nhiều nguy hiểm trực tiếp cho mẹ bầu. Mẹ bầu sẽ phải sống chung với nhiều nguy cơ như:

  • Tiếp tục bị tiểu đường thai kỳ trong những lần mang thai tiếp theo. Hoặc nếu không được kiểm soát chặt chẽ thì dù đã sinh em bé nhưng bệnh tiểu đường thai kỳ vẫn không biến mất mà chuyển sang tiểu đường tuýp 2. Nhiều khảo sát cho thấy có khoảng 30% phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ phải sống chung với tiểu đường tuýp 2 cả đời sau khi sinh.
  • Tiểu đường thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ tiền sản giật hoặc sản giật. Mẹ bầu cũng phải đối mặt với nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non. Hay em bé quá lớn khiến mẹ bầu không thể sinh thường và việc sinh mổ cũng gặp nhiều khó khăn.
Sụ nguy hiểm của bệnh tiểu đường thai kỳ
Tiền sản giật – một triệu chứng nguy hiểm mà bệnh tiểu đường thai kỳ gây ra
  • Vùng kín bị nhiễm nấm candida và tái phát nhiều lần, sau đó sẽ khiến mẹ bầu vô cùng khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày cũng như cản trở sự mặn nồng chăn gối. Nhiều phụ nữ bị trầm cảm, ngại gần gũi cũng vì phải đối mặt với hiện tượng này.
  • Ngoài ra, bị bệnh tiểu đường thai kỳ cũng làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng mẹ bầu.

Nhiều mẹ bầu chủ quan khi biết bệnh tiểu đường thai kỳ có thể biến mất sau khi sinh mà không có sự kiểm soát chặt chẽ. Chính điều này là con dao giết chết chính mẹ bầu và em bé. Cần hết sức chú ý đến những mối nguy hại mà bệnh tiểu đường gây ra. Luôn kiểm tra đường huyết và thăm khám bác sĩ thường xuyên để có cách chữa trị kịp thời. Đừng để căn bệnh này âm thầm hủy hoại chính bạn và con của bạn.

V. Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ

Đối với những người bình thường khi măc bệnh tiểu đường đã phải xây dựng một chế độ dinh dưỡng hết sức khoa học. Đối với mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ chế độ dinh dưỡng lại càng quan trọng hơn. Xây dựng một chế độ dinh dưỡng vừa kiểm soát tốt đường huyết vừa đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển của bé là điều không hề dễ dàng.

Mẹ bầu có thể tham khảo nguyên tắc dinh dưỡng khi mắc bệnh tiểu đường thai kỳ mà chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Ngọc Thảo (Bệnh viện Y Dược TP. HCM) chia sẻ:

  • Để đảm bảo sức khỏe và dinh dưỡng cho cả mẹ và bé, mẹ bầu cần tối đa hóa lượng chất đạm trong khẩu phần ăn: Protein không chỉ đảm bảo dinh dưỡng mà còn giúp mẹ bầu nhanh no hơn. Nó cũng tạo điều kiện cho sự phát triển của mô và cơ khỏe mạnh. Các sản phẩm từ động vật như trứng, sữa, thịt và những loại hạt có vỏ cứng, đậu là những nguồn protein tốt.
  • Việc bổ sung đầy đủ chất xơ cho cơ thể là vô cùng cần thiết. Chất xơ chính là nguồn thực phẩm vừa hỗ trợ cảm giác no và tăng cường chức năng hệ tiêu hóa, vừa có thể chống lại sự tăng vọt đường huyết. Đa số các loại rau củ, quả, hạt có vỏ cứng, yến mạch đều rất giàu chất xơ.
Dinh dưỡng cho tiểu đường thai kỳ
Mẹ bầu cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học khi bị tiểu đường thai kỳ
  • Mẹ bầu cần hạn chế sử dụng đường. Đường không chỉ có trong các loại đồ ăn mà còn có trong nhiều loại nước uống. Nên hạn chế uống các loại nước ngọt, nước có ga, có cồn. Việc bổ sung đầy đủ nước lọc trong ngày sẽ lành mạnh hơn nhiều. Những loại đồ ăn ngọt, bánh ngọt và thậm chí là những loại trái cây có hàm lượng đường cao cũng nên hạn chế.
  • Chế độ ăn quá nhiều muối cũng sẽ có thể làm suy yếu sức khỏe tim mạch và tăng huyết áp. Điều này hết sức không tốt cho sức khỏe mẹ và bé. Một số loại thực phẩm giàu kali như rau lá xanh thẫm, củ cải, chuối sẽ là những gợi ý thú vị giúp bù đắp những ảnh hưởng của natri cho mẹ bầu. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần hạn chế lượng tinh bột trong khẩu phần ăn để đảm bảo sức khỏe.
  • Mẹ bầu tuyệt đối không được bỏ bữa sáng, đây là bữa ăn quan trọng nhất của ngày. Nếu bỏ thì việc kiểm soát đường huyết sẽ rất khó khăn và thai nhi cũng thiếu hụt chất dinh dưỡng để phát triển. Mẹ bầu nên chia nhỏ một ngày thành nhiều bữa để tốt hơn cho việc kiểm soát đường huyết.
  • Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học cho mẹ bầu mắc bệnh tiểu đường là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ tốt hơn khi mẹ bầu biết kết hợp với chế độ nghỉ ngơi và vận động lành mạnh. Các mẹ bầu cũng cần thư giãn đầu óc để không bị mệt mỏi, stress. Mỗi ngày đi bộ khoảng 30 phút sẽ rất tuyệt vời cho sức khỏe của mẹ và bé.

VI. Những câu hỏi liên quan đến bệnh tiểu đường thai kỳ

Bệnh tiểu đường thai kỳ chính là nỗi trăn trở của rất nhiều mẹ bầu. Nhiều mẹ bầu đã gửi những câu hỏi về cho chuyên mục xoay quanh căn bệnh nguy hiểm này. Một số câu hỏi được phần đa các mẹ bầu quan tâm sẽ được đề cập ngay sau đây:

1. Chỉ số đường huyết bao nhiêu thì bị tiểu đường thai kỳ?

Nắm bắt được chỉ số đường huyết trong quá trình mang thai để chủ động phòng tránh, điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ là việc làm cần thiết để tránh các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.

Hiệp hội Đái tháo đường Hoa kỳ đã chỉ ra chỉ số đường huyết bình thường của thai phụ như sau:

  • Mức đường huyết đo khi đói: 70.9 mg/dL
  • Mức đường huyết đo sau khi ăn 1 giờ: 108.9 mg/dL 0.72
  • Mức đường huyết đo sau khi ăn 2 – 4 giờ: 99.3 mg/dL

Nếu mức đường huyết của mẹ bầu khi đo ở ba thời điểm: khi đói, sau khi ăn một giờ và sau khi ăn 2 – 4 giờ vượt mức bình thường mà chúng tôi vừa nêu trên thì mẹ bầu có thể đang “sống chung” với căn bệnh tiểu đường thai kỳ.

2. Bị tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không?

Phần đa các mẹ bầu đều rất thích sinh thường vì thời gian phục hồi sau sinh nhanh hơn và tốt hơn cho sức khỏe của bé. Không ít mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ vẫn luôn băn khoăn “Bị tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không?”.

tiểu đường thai kỳ
Nhiều mẹ bầu thắc mắc – Tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không?

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ dễ gặp phải nguy cơ bị tiền sản giật, sinh non, băng huyết sau sinh rất nguy hiểm. Việc sinh thường đối với mẹ bầu bị tiểu đường cũng hết sức khó khăn.

Một số nghiên cứu từ Hiệp hội Đái tháo đường Anh Quốc gần đây đã phát hiện ra rằng: “Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường có tình trạng giảm co bóp tử cung. Có nghĩa là ngay cả khi rặn hàng giờ thai phụ vẫn không thể thành công.”

Bên cạnh đó, người bị tiểu đường thai kỳ thường thai nhi lớn hơn so với bình thường cũng là một cản trở lớn cho việc sinh thường.

Tuy nhiên, nếu mẹ bầu biết điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học để có thể kiểm soát được lượng đường huyết của cơ thể thì thai kỳ vẫn có thể diễn ra bình thường mà không ảnh hưởng nhiều đến việc sinh nở.

Việc áp dụng sinh mổ hay sinh thường cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chứ không thể có bất cứ khẳng định nào chắc chắn.

3. Bệnh tiểu đường thai kỳ phải kiêng ăn gì?

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ thường gặp khó khăn trong vấn đề ăn uống. Bởi chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé. Khi bị tiểu đường thai kỳ nên kiêng ăn gì là câu hỏi mà rất nhiều mẹ bầu quan tâm.

  • Khi bị tiểu đường thai kỳ cần kiêng các loại thực phẩm và đồ uống có chứa loại đường đơn như: sô-đa, nước ép trái cây đóng hộp, các loại trà hoa quả, nước có hương vị, bánh ngọt, kem… Những thực phẩm này có thể khiến chỉ số đường huyết đột ngột tăng cao.
  • Trái cây giàu chất xơ rất tốt cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ. Nhưng ngoài chất xơ thì trái cây vẫn chứa hàm lượng đường nhất định. Mẹ bầu không nên ăn quá nhiều trái cây cùng một lúc. Một số loại trái cây có hàm lượng đường cao như nhãn, vải, nho,… mẹ bầu nên hạn chế.
  • Tinh bột là thứ mà mẹ bầu cần hạn chế nhất trong khẩu phần ăn. Một số loại khoai như khoai lang, khoai từ, khoai mỡ, bắp mẹ bầu nên hạn chế. Còn khoai tây chứa hàm lượng tinh bột rất cao nên sự kiêng khem là cần thiết.
  • Còn với sữa, trong sữa có hàm lượng canxi, vitamin và khoáng chất rất cao. Đây chính là nguồn bổ sung dinh dưỡng thiết yếu cho mẹ bầu. Tuy nhiên, hàm lượng carbohydrate trong sữa cũng không hề ít nên mẹ bầu không nên uống quá nhiều sữa trong một ngày. Mỗi ngày chỉ nên uống tầm 300ml và chia làm 2 lần là phù hợp.

4. Bệnh tiểu đường thai kỳ có uống sữa bầu được không?

Trong quá trình mang thai, các mẹ bầu thường sử dụng sữa bầu để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của bé. Tuy nhiên đối với các mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ thì việc sử dụng sữa bầu cần hết sức lưu ý.

Theo bác sĩ Nguyễn Huy Tùng (Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội):

Sữa bầu là loại sữa có hàm lượng đường khá cao. Nếu mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ sử dụng tùy tiện loại sữa này sẽ làm lượng đường trong máu tăng đột ngột khiến bệnh càng thêm nặng. Mẹ bầu tốt nhất nên kiểm tra tình trạng bệnh nặng hay nhẹ và chọn loại sữa phù hợp theo lời khuyên của bác sĩ.

Mẹ bầu nên chọn các loại sữa không đường và hàm lượng carbohydrate thấp sẽ rất tốt cho việc kiểm soát đường huyết. Những loại sữa có nguồn gốc từ thực vật, sữa tách kem, tách béo là rất phù hợp với phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ. Cách đơn giản nhất khi lựa chọn sữa bầu là mẹ bầu nên chú ý hàm lượng carbohydrate có in trên nhãn mác. Thường loại sữa có hàm lượng carbohydrate nhỏ hơn 3,1g/100ml thì mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có thể sử dụng được.

Mẹ bầu nên nhớ, mỗi ngày chỉ nên uống sữa bầu một lần khoảng 200ml, vừa đủ dinh dưỡng lại vừa tốt cho tình trạng bệnh.

5. Quá trình xét nghiệm tiểu đường thai kỳ diễn ra như thế nào?

Tiểu đường thai kỳ là một bệnh lý rất khó phát hiện vì những dấu hiệu thường không rõ ràng. Chỉ có trải qua quá trình xét nghiệm mẹ bầu mới có thể xác định được mình có đang sống chung với bệnh tiểu đường thai kỳ hay không.

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là cách hiệu quả nhất để sớm phát hiện bệnh

Theo bác sĩ Nguyễn Mỹ Dung (Bệnh viện Từ Dũ), để có kết quả chính xác nhất, quy trình xét nghiệm tiểu đường thai kỳ sẽ diễn ra theo hai bước cơ bản như sau:

  • Xét nghiệm thử Glucose

Vì bệnh tiểu đường thai kỳ thường xuất hiện từ tuần 22 – 30 nên trong khoảng thời gian này, mẹ bầu nên đi xét nghiệm thử glucose để sàng lọc nguy cơ mắc bệnh.

Khi xét nghiệm, mẹ bầu sẽ được bác sĩ chỉ định uống hết 50g glucose trong khoảng 5 phút. Chờ 1 giờ sau bác sĩ sẽ tiến hành lấy máu ở đầu ngón tay để xét nghiệm và kiểm tra sự chuyển hóa đường trong cơ thể.

  • Xét nghiệm dung nạp glucose

Khi xét ngiệm thử glucose dương tính, bác sĩ sẽ phải làm thêm xét nghiệm dung nạp glucose để chắc chắn rằng mẹ bầu có bị tiểu đường thai kỳ hay không.

Xét nghiệm này cần thực hiện vào buổi sáng khi thai phụ chưa ăn gì thì sẽ cho kết quả chính xác nhất.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra đường huyết của mẹ bầu lúc đói. Sau đó, mẹ bầu sẽ được uống 1 lượng glucose nhất định theo chỉ định của bác sĩ. Sau 3 lần lấy máu, mỗi lần lấy cách nhau 1 giờ mà có từ 2 kết quả dương tính trở nên thì có thể kết luận mẹ bầu đã mắc tiểu đường thai kỳ.

Việc xét nghiệm tiểu đường thai kỳ rất an toàn cho cả mẹ và bé nên bạn cần tiến hành đúng thời điểm để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh hiệu quả.

Bệnh tiểu đường thai kỳ là một căn bệnh nguy hiểm với rất nhiều biến chứng khó lường nguy hại cho sức khỏe của cả mẹ và bé. Hy vọng với bài viết trên đây của chúng tôi, mẹ bầu đã có được nguồn thông tin cần thiết về căn bệnh này. Từ đó, có được cách phòng và kiểm soát bệnh hiệu quả hơn. Mẹ bầu có khỏe mạnh thì thai nhi mới có thể phát triển tốt. Rất mong các mẹ luôn cảnh giác trước căn bệnh tiểu đường thai kỳ quái ác.

Biên soạn: Pham Trang

Bạn nên tham khảo thêm:

Bài viết liên quan
   

Mắc bệnh tiểu đường thai kỳ có được uống sữa bầu không?    

Mắc bệnh tiểu đường thai kỳ có được uống sữa bầu không là vấn đề...

   

Bị bệnh tiểu đường thai kỳ có ăn chuối được không bác sĩ?    

Tiểu đường thai kỳ có ăn chuối được không? Một câu hỏi khiến rất nhiều...

   

Khi bị tiểu đường thai kỳ có được ăn bưởi không?    

Các mẹ ơi, mắc bệnh tiểu đường thai kỳ có được ăn bưởi không ạ?...

   

Cách phòng ngừa bệnh tiểu đường thai kỳ các mẹ nên biết    

Bất cứ bà mẹ nào mang thai cũng đều hy vọng những điều tốt đẹp...

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *