Tiểu đường là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm với số lượng bệnh nhân tử vong đứng hàng đầu trong các loại bệnh. Nhiều chuyên gia nhận định bệnh tiểu đường chính là “kẻ giết người thầm lặng”.
Vậy bệnh tiểu đường là gì? Những nguyên nhân, biểu hiện và tác hại của căn bệnh này như thế nào? Tất cả sẽ được sáng tỏ trong bài viết của chúng tôi.

I. Bệnh tiểu đường là gì?
Bệnh tiểu đường chính là một căn bệnh mãn tính liên quan đến việc rối loạn chức năng chuyển hóa carbohydrate trong cơ thể. Bạn có thể hiểu một cách đơn giản, khi lượng đường trong máu của bạn luôn ở mức cao hơn so với bình thường, tức là bạn đang phải sống chung với bệnh tiểu đường.
Đối với người bình thường, thức ăn khi được nạp vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành đường glucose. Đây chính là loại năng lượng chính giúp cho cơ thể hoạt động. Đường glucose được chuyển hóa này sẽ được insulin sản sinh trong tuyến tụy vận chuyển đến tất cả các tế bào trong cơ thể. Tuy nhiên, đối với người bị tiểu đường, tuyến tụy không thể sản sinh ra lượng insulin phù hợp. Thay vì glucose được vận chuyển đến các tế bào thì sẽ tích tụ dần ở máu. Điều này khiến cho hàm lượng đường huyết luôn ở mức cao.
II. Tìm hiểu 3 loại bệnh tiểu đường thường gặp
Dựa vào những triệu chứng của bệnh tiểu đường mà người ta thường chia nó thành 3 loại chính: tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ. Ngoài ra còn có thêm một vài tình trạng tiểu đường khác ít gặp hơn.

1. Bệnh tiểu đường tuýp 1
Bệnh tiểu đường tuýp 1 thường gặp ở trẻ em hoặc những người còn ít tuổi. Bệnh xảy ra khi tuyến tụy không còn đủ khả năng sản xuất insulin để giúp cho việc vận chuyển glucose đến các tế bào. Glucose tích tụ lâu dần khiến cho lượng đường trong máu tăng cao.
Nguyên nhân chính gây ra bệnh tiểu đường tuýp 1 đó là do phản ứng bất thường của hệ miễn dịch chống lại các tế bào tuyến tụy của chính cơ thể.
Bệnh tiểu đường tuýp 1 là một trong những căn bệnh vô cùng nguy hiểm, nó có khả năng phá hoại toàn bộ cơ quan trong cơ thể nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Để kiểm soát lượng đường huyết đối với những người tiểu đường tuýp 1 không còn cách nào khác ngoài việc họ phải sống chung với insulin suốt đời.
2. Bệnh tiểu đường tuýp 2
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, có khoảng 90% người mắc bệnh tiểu đường thuộc vào nhóm tiểu đường tuýp 2. Bệnh thường xuất hiện ở những người bước qua tuổi 40. Tuy nhiên hiện nay, đối tượng mắc bệnh đang dần bị trẻ hóa, có rất nhiều người trẻ cũng đang phải sống chung với căn bệnh này.
Tiểu đường tuýp 2 là tình trạng mà cơ thể vẫn có thể sản sinh ra insulin ở tuyến tụy nhưng số lượng insulin không đủ hoặc cơ thể kháng insulin. Điều này khiến cho glucose không thể đi nuôi hoạt động của tế bào mà bị tụ lại trong máu làm cho chỉ số đường huyết luôn ở mức cao.
Bạn có thể dễ dàng mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 do rất nhiều nguyên nhân như thói quen ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh, béo phì, tuổi tác, phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang cũng rất dễ bị tiểu đường tuýp 2,…
Tiểu đường tuýp 2 ở giai đoạn còn nhẹ thì bạn có thể không phải sử dụng đến thuốc insulin mà chỉ cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để kiểm soát tốt lượng đường huyết. Khi bệnh đã nặng nếu không được can thiệp kịp thời sẽ gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm.
3. Bệnh tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ nghe tên sẽ khiến cho nhiều mẹ bầu phải lo lắng. Bệnh chỉ xảy ra ở phụ nữ trong quá trình mang thai. Khi sinh em bé xong bệnh tự biến mất.
Cũng giống như bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2, khi mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, cơ thể sẽ hạn chế việc tiết insulin ở tuyến tụy, không thể chuyển hóa glucose thành năng lượng.
Khi bị tiểu đường thai kỳ, nếu sản phụ không kiểm soát tốt chỉ số đường huyết của cơ thể thì cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của em bé. Nên trong suốt quá trình mang thai, các mẹ bầu cần hết sức chú ý.
III. Những nguyên nhân chính gây bệnh tiểu đường
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn có thể bị bệnh tiểu đừog ghé thăm bất cứ lúc nào như:
- Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học: Trong khẩu phần ăn của bạn chứa quá nhiều thực phẩm giàu chất béo no và carbohydrate chính là một trong những nguyên nhân khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
- Người hay bỏ bữa sáng: Bữa sáng là bữa quan trọng nhất trong ngày. Việc bỏ bữa sáng rất dễ kéo theo hiện tượng hạ đường huyết. Khi đó bạn sẽ thèm ăn đồ ngọt. Việc giải tỏa cơn thèm sẽ kích thích sản sinh insulin quá mức và làm đường huyết tăng đột ngột.
- Hiện tượng mất ngủ kéo dài: Tình trạng thiếu ngủ sẽ khiến rối loạn đồng hồ sinh học, làm tăng hàm lượng hormone cortisol. Chính điều này gây ra hiện tượng stress và làm mất cân bằng glucose trong cơ thể.
- Béo phì: Nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng những người béo phì, đặc biệt là béo bụng thì khả năng mắc bệnh tiểu đường cao hơn rất nhiều so với người bình thường.

- Gen di truyền: Nguyên nhân này thường diễn ra nhiều ở bệnh tiểu đường tuýp 1. Khi bố hoặc mẹ mắc bệnh tiểu đường thì nguy cơ các con của họ cũng bị bệnh là rất cao.
- Phụ nữ bị buồng trứng đa nang: Nhiều người không biết rằng, buồng trứng có liên quan đến sự mất cân bằng insulin. Khi bị đa nang buồng trứng sẽ kích thích insulin tiết ra nhiều không chỉ gây tổn hại cho buồng trứng mà còn ảnh hưởng xấu đến tuyến tụy.
IV. Các triệu chứng bệnh tiểu đường thường gặp
Không phải ngẫu nhiên mà người ta ví bệnh tiểu đường là kẻ giết người thầm lặng. Những dấu hiện ban đầu của bệnh tiểu đường rất khó để phát hiện. Hoặc bạn có thể dễ dàng nhầm lẫn triệu chứng bệnh tiểu đường với những loại bệnh lí khác.
Một số triệu chứng thường gặp của bệnh tiểu đường bạn cần hết sức chú ý như:
- Khát nước liên tục: Đối với bệnh tiểu đường, khi bạn đã bổ sung đầy đủ nước cho cơ thể nhưng vẫn sẽ cảm thấy khát. Và hiện tượng khát diễn ra liên tục suốt cả ngày, đặc biệt vào ban đêm.
- Đi tiểu nhiều lần: Một ngày bạn đi tiểu nhiều hơn 7 lần thì có thể bạn đang sống chung với bệnh tiểu đường.
- Giảm cân đột ngột: Khi glucose không thể làm nhiệm vụ chuyển hóa thành năng lượng đi nuôi sống các hoạt động cơ thể buộc phải lấy năng lượng từ các mô mỡ và cơ. Điều này khiến bạn giảm cân mặc dù chế độ ăn uống sinh hoạt không có gì thay đổi.
- Đói và mệt mỏi: Là một triệu chứng thường gặp. Chính vì glucose không thể biến thành năng lượng nên khi bạn hoạt động dù ăn nhiều vẫn luôn thấy đói. Và sự thiếu hụt năng lượng tất yếu sẽ khiến cơ thể mệt mỏi.

- Thị lực suy giảm: Lượng đường trong máu cao sẽ phá hủy mao mạch ở đáy mắt dẫn tới phù nề, xuất huyết làm giảm thị lực mặc dù có thể từ trước bạn không gặp các vấn đề về mắt.
- Vết thương lâu lành: Lượng đường trong máu cao sẽ khiến cho máu khó lưu thông trong các mao mạch. Điều này khiến cho các vết thương hở lâu lành hơn.
- Các hiện tượng về da: Da của bạn có thể bị sạm màu ở một số vùng có nếp nhăn, nếp gấp hay có thể gặp hiện tượng ngứa râm ran ở tay và chân.
Khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng nói trên, bạn cần tới ngay các cơ sở y tế để thăm khám để có được sự can thiệp kịp thời. Việc kiểm tra chỉ số đường huyết định kỳ cũng là vô cùng cần thiết cho sức khỏe của bạn.
V. Bệnh tiểu đường nguy hiểm như thế nào? Bạn đã biết chưa?
Hậu quả của việc không kiểm soát được đường huyết chính là gây ra những biến chứng vô cùng khó lường. Hầu như các biến chứng này đều rất nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Một số biến chứng nguy hiểm thường gặp của bệnh tiểu đường mà bạn không thể bỏ qua như:
- Hiện tượng hạ đường huyết xuống quá thấp và tăng đường huyết quá cao: Khi đường huyết hạ xuống dưới 3,6mmol/L bạn sẽ gặp phải những biểu hiện mệt mỏi, bủn rủn, choáng váng. Còn đường huyết tăng quá mức, bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng nhiễm ceton acid và hiện tượng tăng áp lực thẩm thấu của máu rất dễ dẫn tới ngất xỉu và hôn mê ảnh hưởng tới tính mạng.
- Các biến chứng ở mắt: Bệnh nhân dễ mắc phải các bệnh về mắt như võng mạc mắt, đục thủy tinh thể, glaucoma,…
- Biến chứng thần kinh: Đây là biến chứng thường gặp với các biểu hiện như biến chứng thần kinh ngoại vi và tự động, liệt dây thần kinh sọ, teo cơ,…

- Biến chứng về tim mạch: Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Thường gặp nhất là gây tắc mạch vành tim, xơ cứng động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não có thể gây bại liệt hoặc tử vong.
- Biến chứng về thận: Biến chứng thận do bệnh tiểu đường chiếm đến 50% trường hợp suy thận giai đoạn cuối. Đây chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở bệnh nhân tiểu đường.
- Bên cạnh đó, người bị tiểu đường còn rất dễ gặp phải những biến chứng khác do rất nhạy cảm với các loại nhiễm khuẩn. Đặc biệt là viêm phổi, viêm răng lợi, viêm tủy xương.
Theo công bố của “Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ” trên tạp chí The Lancet tháng 6 năm 2014 về biến chứng của bệnh tiểu đường:
“Trên thế giới mỗi năm có khoảng 1,5 người chết vì bệnh tiểu đường. Cùng với bệnh béo phì, số lượng người mắc bệnh tiểu đường ngày càng tăng với nhiều biến chứng nguy hiểm.
Dẫn chứng từ bệnh nhân Rachel Aileen (54 tuổi ở bang New Hampshire, Mỹ), người đã sống chung với bệnh tiểu đường gần mười năm. Mặc dù, được tiêm insulin để kiểm soát chỉ số đường huyết nhưng bà vẫn mắc phải các biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường. Cách đây 2 năm, bà mắc hội chứng glaucoma ở mắt do không được phát hiện kịp thời đã dẫn tới mù lòa. Hiện nay bà cũng đang phải sống chung với bệnh suy thận giai đoạn cuối có thể phải đối mặt với cái chết bất cứ lúc nào.”
VI. Bệnh tiểu đường có chữa được không?
Bệnh tiểu đường là một bệnh lí vô cùng nguy hiểm với nhiều biến chứng chết người. “Bệnh tiểu đường có chữa được không?” là câu hỏi được rất nhiều người bệnh quan tâm.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Hải (Khoa nội tiết đái tháo đường – Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội): Hiện nay, vẫn chưa có bất kỳ một phương pháp nào có thể chữa bệnh tiểu đường dứt điểm. Người bệnh sẽ phải chung sống với nó cả đời. Tuy nhiên có rất nhiều cách để kiểm soát tốt căn bệnh nguy hiểm này.
Bạn có thể tham khảo một số cách để kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả dưới đây:
- Tiêm insulin: Đây là phương pháp điều trị bắt buộc đối với những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1. Đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ có cần thiết sử dụng phương pháp này hay không tùy thuộc hoàn toàn vào tình trạng bệnh. Bạn cần phải có được sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ để tiêm đúng loại, đúng cách và đúng liều lượng insulin thì mới có thể kiểm soát tốt chỉ số đường huyết.

- Bên cạnh đó, việc xây dựng một chế độ dinh dưỡng lành mạnh là vô cùng cần thiết. Bạn cần hạn chế tối đa những loại thức phẩm chứa nhiều tinh bột. Tăng lượng rau xanh giàu chất xơ, những loại trái cây giàu vitamin và ít ngọt trong khẩu phần ăn. Hạn chế sử dụng các loại đồ ngọt, rượu bia, nước ngọt, thuốc lá.
- Ngoài ra, bạn cần tránh việc làm việc quá sức, giảm những stress, căng thẳng. Luyện tập thể dục thể thao mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp bạn hỗ trợ điều trị tiểu đường được tốt hơn.
- Việc kiểm tra đường huyết định kì là vô cùng quan trọng để bạn có thể kiểm soát đường huyết được tốt hơn. Từ đây sẽ có biện pháp can thiệp và điều trị phù hợp, tránh những biến chứng mà bệnh gây ra.
Với những thông tin mà chúng tôi mang lại, mong rằng bạn đọc sẽ không còn hoang mang trước câu hỏi “bệnh tiểu đường là gì?”. Việc trang bị cho mình một nguồn kiến thức về căn bệnh này là vô cùng cần thiết. Từ đó, mỗi người trong chúng ta sẽ có được cách phòng và trị bệnh tiểu đường hiệu quả hơn. Đừng để căn bệnh tiểu đường quái ác âm thầm giết chết bạn.
Biên soạn: Pham Trang
Bạn nên tìm hiểu thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!