Tiểu đường là căn bệnh rất khó nhận biết được các triệu chứng, bởi bệnh tiến triển âm thầm cho đến khi người bệnh biết mình mắc bệnh thì căn bệnh này đã biến chứng phức tạp. Vậy bệnh tiểu đường có mấy giai đoạn? Ứng với mỗi giai đoạn, bệnh sẽ có những dấu hiệu nhận biết nào? Để biết rõ thông tin chi tiết các giai đoạn của căn bệnh này, bạn đọc có thể theo dõi ở bài viết bên dưới.
Bệnh tiểu đường có mấy giai đoạn?
Nếu như bệnh tiểu đường tuýp 1 không phân chia các giai đoạn cụ thể thì bệnh tiểu đường tuýp 2 lại được chia thành 4 giai đoạn. Ứng với mỗi giai đoạn khác nhau, người bệnh sẽ gặp phải những dấu hiệu điển hình của từng giai đoạn.
4 giai đoạn cụ thể của bệnh tiểu đường tuýp 2 như sau:
- Giai đoạn 1: Giai đoạn đề kháng insulin (hay còn gọi là tiền tiểu đường hoặc rối loạn dung nạp glucose)
- Giai đoạn 2: Giai đoạn tăng đường huyết lúc đói
- Giai đoạn 3: Giai đoạn kiểm soát đường huyết khó khăn
- Giai đoạn 4: Giai đoạn người bệnh xuất hiện nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Dấu hiệu nhận biết từng giai đoạn của bệnh tiểu đường
Giai đoạn 1: Giai đoạn đề kháng insulin (hay còn gọi là tiền tiểu đường hoặc rối loạn dung nạp glucose)
lnsulin là một hormon được sản xuất bởi nhóm tế bào beta của các tiểu đảo tụy. Nhờ hormon này mà tế bào của cơ thể có thể sử dụng đường glucose để tạo thành năng lượng và làm giảm lượng đường trong máu. Với những bệnh nhân bị tiểu đường tuýp 2 sẽ xảy ra hiện tượng kháng insulin.
Tuy nhiên, ở giai đoạn tiền tiểu đường, lượng đường trong máu của người bệnh có cao hơn mức bình thường nhưng nó tăng chưa đủ để được phân loại thành tiểu đường tuýp 2. Ở giai đoạn này, nếu không được kiểm soát lượng đường kịp thời, người bệnh sẽ rất dễ mắc phải bệnh tiểu đường tuýp 2.
Vì ở giai đoạn tiền tiểu đường nên bệnh nhân sẽ không có bất cứ dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng nào. Tuy nhiên, nếu người bệnh để ý đến da sẽ thấy xuất hiện một số vùng da bị tối màu, nhất là cổ, nách, khuỷu tay, đầu gối và khớp ngón tay. Đồng thời cơ thể người bệnh bị tăng cân, tăng huyết áp nhanh chóng và thường xuyên ngủ ít hơn 5 giờ một đêm.
Giai đoạn 2 – Bệnh tiểu đường tiến triển ở giai đoạn tăng đường huyết lúc đói
Nếu cơ thể tiếp tục đề kháng insulin tới một lúc nào đó, việc bù đắp bằng cách tăng sản xuất insulin của các tế bào beta của đảo tụy sẽ không thể theo kịp. Lúc này, lượng đường trong máu bắt đầu tăng lên. Người bệnh sẽ có dấu hiệu đặc trưng là tăng đường huyết lúc đói, tức đường huyết lúc đói có thể lớn hơn 7mmol/l.
Nếu bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường ở giai đoạn này sẽ gặp phải một số dấu hiệu như: sút cân nhiều, mờ mắt, ăn nhiều, uống nhiều nước, đi tiểu nhiều lần, cơ thể mệt mỏi triền miên,… Bệnh nhân rơi vào tình trạng suy nhược cơ thể, thậm chí không thể vận động vì sức khỏe yếu.
Giai đoạn 3 – Bệnh tiểu đường nặng lên khi đường huyết khó kiểm soát, HbA1c cao
Nếu ở giai đoạn 2, bệnh tiểu đường không được kiểm soát thì ở giai đoạn 3, tình trạng đề kháng insulin của tế bào tiếp tục tăng lên ở mức cao. Lúc này, tuyến tụy hoạt động quá mức trong thời gian dài sẽ rất dễ dẫn tới suy giảm chức năng, làm giảm khả năng sản xuất insulin.

Ở giai đoạn 3, người bệnh sẽ gặp phải một số biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường như biến chứng thần kinh, biến chứng nhiễm trùng, mắt bị mờ dần, thường xuyên bị khó thở, đau ở tim,… Những biến chứng này chỉ mới bắt đầu xuất hiện và bệnh nhân có thể cảm nhận được.
Giai đoạn 4 – Bệnh tiểu đường giai đoạn cuối với nhiều biến chứng phối hợp
Thông thường, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường ở giai đoạn 4 khi tình trạng bệnh đã ở mức độ nghiêm trọng. Những biến chứng này sẽ xuất hiện kể từ ngày bệnh nhân mắc bệnh khoảng 5 – 10 năm. Người bệnh sẽ không chỉ gặp phải duy nhất một biến chứng mà các biến chứng của bệnh đã xuất hiện dày đặc. Cụ thể, người bệnh tiểu đường ở giai đoạn 4 sẽ gặp phải một số biến chứng sau:
Biến chứng thần kinh: Khi bệnh tiểu đường đã ở mức nghiêm trọng và không được kiểm soát, bệnh nhân sẽ gặp phải biến chứng dây thần kinh. Người bệnh sẽ có dấu hiệu ngứa ran, tê nhức chân tay, mất cảm giác, rối loạn cảm giác ở một số vùng trên cơ thể,… Đặc biệt, những cơn đau đầu, chóng mặt sẽ liên tục xuất hiện, khiến người bệnh cảm thấy vô cùng mệt mỏi và suy nhược cơ thể trầm trọng
Biến chứng trên mắt: Người bệnh sẽ dễ mắc phải bệnh võng mạc tiểu đường. Căn bệnh này khiến bệnh nhân mất dần thị lực và cuối cùng là mù lòa. Riêng biến chứng ở mắt, người bệnh hoàn toàn có thể cảm nhận được những thay đổi ở mắt.
Biến chứng tim mạch: Nếu bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường ở giai đoạn 4, người bệnh sẽ mắc phải bệnh mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên,… Những căn bệnh này có thể khiến bệnh nhân bị tử vong bất cứ lúc nào. Điều này đã được cơ quan y tế cảnh báo, khi có tới khoảng 65-75% nguyên nhân tử vong ở người bệnh tiểu đường là do các biến chứng về tim mạch.
Biến chứng nhiễm trùng: Người bệnh có thể gặp phải những vết loét ở bàn chân và rất khó điều trị. Một số trường hợp, bệnh nhân bắt buộc phải cắt cụt chi do biến chứng của bệnh tiểu đường gây ra.
Biến chứng trên thận: Khi mắc bệnh tiểu đường, bệnh nhân sẽ gặp phải biến chứng nghiêm trọng ở thận, còn gọi là bệnh thận tiểu đường. Người bệnh sẽ bị bệnh thận mãn tính, suy thận,… và nguy cơ phải chạy thận suốt đời là rất dễ xảy ra.
Như vậy, bệnh tiểu đường gồm có 4 giai đoạn phát triển của bệnh. Mức độ nguy hiểm của từng giai đoạn sẽ khác nhau. Để kiểm soát được căn bệnh này và tránh những biến chứng do bệnh gây ra, người bệnh nên tiến hành kiểm tra đường huyết định kì theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó, hãy xây dựng cho bản thân một chế độ ăn uống hợp lý và nghỉ ngơi phù hợp để có thể sống tốt với bệnh tiểu đường.
Hải Yến
→ Có thể bạn quan tâm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!